Cột sống và đĩa đệm của bạn có thể thoái hóa theo thời gian, gây cứng khớp, làm giảm sự linh hoạt và đau nhức. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể giảm chứng đau lưng khi lớn tuổi bằng cách lưu ý đến tư thế, chế độ ăn uống và tập luyện lành mạnh.
Hầu như tất cả chúng ta đều bị đau lưng tại một số thời điểm trong cuộc sống. Các nguyên nhân có thể kể đến như thừa cân, hút thuốc, thói quen ăn uống không tốt, bệnh cột sống và các tình trạng sức khỏe khác, chẳng hạn như ung thư. Trong đó, nguyên nhân số một của chứng đau lưng là sự lão hóa.
Đau lưng là một biểu hiện của lão hóa
Vận động các cơ ở lưng hàng ngày quá nhiều theo thời gian có thể gây ra đau lưng. Tiến sĩ Robin Lustig, một chuyên gia nắn xương tại Lustig Healing Arts ở Lodi New Jersey, cho biết: “Đau lưng vốn là do một quá trình thoái hóa rất bình thường, và nó có thể xảy ra ở tất cả mọi người”.
Nguyên nhân nào gây ra cơn đau? Cột sống của bạn bao gồm rất nhiều xương gọi là đốt sống, được xếp chồng lên nhau. Giữa mỗi đốt sống là các khớp nhỏ cho phép cột sống của bạn di chuyển, cũng như các đĩa đệm có vai trò như chất “giảm xóc” và ngăn xương của bạn cọ sát vào nhau.
Khi lớn tuổi, các đĩa đệm giữa các đốt sống bị mòn đi và co lại, gây đau và cứng khớp khi xương bắt đầu chà sát vào nhau. Ngoài ra, không gian xung quanh tủy sống thu hẹp theo thời gian. Tình trạng này, được gọi là hẹp cột sống, cũng gây áp lực lên dây thần kinh cột sống và gây đau.
Tình trạng giảm khối lượng xương, hoặc loãng xương, cũng có thể làm cho các đốt sống dễ bị gãy. Các khớp xương ở mỗi đốt sống được nối với những đốt sống trên và dưới, cũng có thể thoái hóa cột sống, được gọi là viêm khớp cột sống.
Cách giảm triệu chứng đau lưng
Các lựa chọn điều trị đau lưng được xác định dựa trên việc cơn đau cấp tính hay mãn tính với 3 phương pháp chính: thuốc giảm đau, vật lý trị liệu và phẫu thuật.
1. Phương pháp vật lý trị liệu
Cách giảm đau lưng bằng phương pháp vật lý trị liệu như sau:
- Hạn chế các hoạt động làm trầm trọng thêm cơn đau
- Vật lý trị liệu cột sống, bao gồm liệu pháp hoạt động (căng cơ, nâng tạ, sức bền) và liệu pháp thụ động (nhiệt, băng, massage, siêu âm, kích thích điện)
- Đai quấn, thường được quấn quanh lưng và bụng
- Liệu pháp chỉnh hình, nắn xương
- Yoga giúp kéo căng, tăng cường cơ bắp và cải thiện tư thế
2. Phương pháp sử dụng thuốc
Bác sĩ có thể kê đơn cho bạn một số loại thuốc giảm đau sau đây:
- Thuốc giảm đau không kê đơn, thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs) có hoạt chất ibuprofen…
- Thuốc giãn cơ
- Thuốc giảm đau hoặc thuốc opioid
- Tiêm steroid
3. Phương pháp phẫu thuật
Trong trường hợp chuyển biến nặng, bác sĩ có thể chỉ định phải thực hiện phẫu thuật:
- Thay thế đĩa đệm
- Tạo hình thân đốt sống qua da (Vertebroplasty) để sửa chữa gãy xương nén của đốt sống do loãng xương gây ra
- Nới rộng miệng ống cột sống (Foraminotomy) để loại bỏ tắc nghẽn và giảm áp lực lên dây thần kinh cột sống
- Cắt bỏ một phần đĩa đệm (Discectomy) để loại bỏ một đĩa đệm cụ thể gây đau
- Cắt bỏ cột sống để mở cột sống và loại bỏ áp lực lên dây thần kinh
Cách phòng ngừa đau lưng khi lớn tuổi
Để giúp giảm đau lưng khi lớn tuổi, điều rất quan trọng mà bạn cần nhớ là:
- Duy trì tư thế tốt khi bạn đứng hoặc ngồi
- Duy trì cân nặng khỏe mạnh
- Ăn uống lành mạnh
- Tập thể dục để giữ cho lưng bụng của bạn mạnh mẽ và linh hoạt
Nếu bạn bị đau lưng, ngay cả khi bạn nghĩ nguyên nhân là lão hóa, đừng bỏ qua triệu chứng này. Đây có thể là dấu hiệu của một căn bệnh nghiêm trọng nhưng có thể điều trị được. Bạn không cần phải sống chung với đau lưng, bất kể tuổi của bạn là bao nhiêu. Tốt nhất bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ để lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp nhất.